Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp ngành Nhôm gặp nhiều khó khăn

Trước việc bị “bóng đen” COVID-19 bủa vây dẫn đến doanh thu toàn ngành Nhôm ước giảm 30% trong quý I và có nguy cơ phải cắt giảm đến 40% lượng lao động trong Quý II/2020, Hội những nhà sản xuất nhôm thanh định hình phục vụ xây dựng và công nghiệp Việt Nam (Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam) vừa có văn bản số 11/CV-VAA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ “giải cứu”.

 

Cụ thể, những kiến nghị của Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam tập trung vào 6 nhóm đề xuất chính gồm: 1- Đề xuất giảm thuế VAT xuống 5%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 10%, giảm thuế xuất khẩu nhôm thanh định hình; 2- Giảm lãi suất, giãn nợ đối với các khoản vay ngắn hạn và trung hạn cho doanh nghiệp; 3- Miễn, giảm cước phí cầu đường bộ để giảm chi phí lưu thông cho các doanh nghiệp; 4- Giảm tỷ lệ thu BHXH hoặc dừng thu bảo hiểm xã hội trong ít nhất 6 tháng; cho phép doanh nghiệp khó khăn được chậm nộp BHXH; 5- Rút ngắn thời gian thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu; 6- Hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp cung cấp phụ liệu sản xuất ngoài Trung Quốc.

Khó khăn chồng chất

Các doanh nghiệp ngành Nhôm đang phải đương đầu với những thực trạng như sau:

Thứ nhất, về nguồn nguyên liệu, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất ngành nhôm Việt Nam có khoảng 30% nguyên, phụ liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Từ tháng 02 tới nay, việc đóng các cửa khẩu, tăng cường kiểm soát dịch bệnh đối với các hàng hóa nhập khẩu đã khiến cho việc nhập nguyên liệu, phụ liệu từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Dự kiến nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu, có khả năng đến hết tháng 4, nhiều doanh nghiệp sẽ không còn đủ nguyên liệu để duy trì sản xuất.

 

Thứ hai, từ sau Tết đến nay, thị trường bất động sản đóng băng do kỳ nghỉ Tết kéo dài và do dịch bệnh phát triển phức tạp dẫn đến nhu cầu nhôm phục vụ xây dựng giảm sút nghiêm trọng khiến các hoạt động sản xuất, xây dựng ngưng trệ. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu từ đầu tháng 3 khi dịch bệnh lây lan rất nhanh trên toàn thế giới cũng dẫn đến việc xuất khẩu nhôm xây dựng sang thị trường châu Mỹ, Châu Âu bị hạn chế.

 

Thứ ba, là khó khăn về kho vận, bị chậm, thậm chí ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, thời gian thông quan nhập khẩu cũng phải kéo dài phải thực hiện các biện pháp khử trùng, tiêu độc, kiểm soát dịch bệnh trên người và hàng hóa trước khi thông quan dẫn đến mất nhiều thời gian trung chuyển, chậm thông quan, chậm lưu thông hàng hóa.

 

Chủ động đối phó

Trước những khó khăn kể trên, bên cạnh việc chờ đợi sự hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp trong ngành đã có những phải pháp biến “nguy thành cơ”, chủ động thích ứng với tình hình dịch bệnh để duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn cung trong và sau dịch.

 

Bên cạnh đó, việc Việt Nam đóng các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc để ngăn chặn dịch bệnh cũng đã góp phần ngăn chặn nguồn nhôm lậu nhập khẩu trái phép, giúp cho các doanh nghiệp nhôm Việt Nam lấy lại thị phần trong nước, gia tăng uy tín.

Doanh nghiệp ngành Nhôm bị ảnh hưởng lớn do COVID-19

 

Khi đương đầu với những khó khăn này cũng là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại ổn định đường lối phát triển, tối ưu hóa năng lực tổ chức điều hành từ đó lấy lại đà phát triển sau khi hết dịch. Bên cạnh đó, lúc này các doanh nghiệp trong ngành Nhôm và các doanh nghiệp phụ trợ liên quan như cung ứng phụ liệu hóa chất, khuôn mẫu, sơn, bao bì… sẽ có cơ hội xích lại gần nhau hơn, tăng cường sự liên kết, hợp tác để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay.

 

Bên cạnh sự chủ động của các doanh nghiệp trong ngành Nhôm, đến thời điểm hiện tại thì các doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa tiếp cận được các hỗ trợ về tín dụng hay thuế và bảo hiểm. Do đó, để có các doanh nghiệp có thể sống sót và hoạt động trở lại sau dịch bệnh thì rất cần được Chính phủ sớm có những chính sách “giải cứu” tập trung vào 3 trọng tâm giãn, giảm Bảo hiểm xã hội, thuế và tín dụng ngân hàng.

 

Là một trong những nhà cung cấp Nhôm hàng đầu Việt Nam, Chi nhánh Công ty cổ phần Cơ khí Đông Anh Licogi: Nhà máy Nhôm Đông Anh đã có những biện pháp chống dịch, đồng thời vẫn đảm bảo sản xuất ngay từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát. Giãn ca làm việc, đăng ký cho CBCNV đi làm luân phiên, trang bị đầy đủ khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn... Tuy thu nhập của CBCNV có biến động ít nhiều do sản lượng bán hàng giảm, nhưng CKDA cũng như DAA kiên quyết không áp dụng phương án cắt giảm nhân sự, đảm bảo công ăn việc làm và nguồn thu nhập, hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn này.

 

Nguồn: https://enternews.vn/

Tags:,